logo Nha Khoa Minh Khai brown

Nha chu là gì? Viêm nha chu là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Viêm nướu và viêm nha chu đều là những bệnh lý răng miệng mà nhiều người thường gặp phải và dễ bị nhầm lẫn với nhau. Tuy nhiên, viêm nướu và viêm nha chu là 2 tình trạng riêng biệt với các triệu chứng và cách điều trị hoàn toàn khác nhau. Tìm hiểu rõ nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa trong bài viết dưới đây.

Nha chu là gì? Nguyên nhân gây bệnh?

Nha chu là tình trạng viêm nhiễm của tổ chức quanh răng, ảnh hưởng đến cấu trúc nâng đỡ răng, khiến răng mất liên kết với tổ chức nâng đỡ này. Bệnh nha chu ban đầu chỉ ảnh hưởng đến phần mô mềm – nướu răng – sau có thể phát triển ảnh hưởng đến cả xương ổ răng có vai trò quan trọng trong việc giữ răng. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nha chu có thể gây ra rụng răng, mất răng. 

Nguyên nhân gây bệnh nha chu

Bệnh nha chu (viêm nướu răng) gây ra bởi nguyên nhân chính là các mảng bám răng. Mảng bám răng là những màng sinh học cứng chắc có chứa các vi khuẩn có hại, hình thành trong miệng của bất cứ cá nhân nào. Vi khuẩn có hại phá hủy răng và nướu. Nếu các mảng bám không được loại bỏ, có thể dẫn đến nướu tụt ra khỏi răng, hình thành nên những túi nha chu có mủ.

Viêm nha chu
Vi khuẩn có hại trong mảng bám, vôi răng là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh viêm nha chu

Những túi nha chu này cùng với vôi răng cứng chắc khiến việc loại bỏ mảng bám gặp nhiều khó khăn nếu không có sự hỗ trợ từ bác sĩ nha khoa, và bệnh nha chu sẽ tiến triển nghiêm trọng hơn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nha chu sẽ phá hủy toàn bộ tổ chức nâng đỡ cho răng, thậm chí là ảnh hướng đến tận xương ổ răng.

Dấu hiệu nhận biết bệnh nha chu

  • Nướu (lợi) tấy đỏ, sưng và dễ bị chảy máu (khi đánh răng hoặc làm sạch kẽ răng)
  • Nướu tụt ra khỏi răng
  • Hơi thở có mùi hôi
  • Túi mủ hình thành giữa răng và nướu
  • Răng bị lung lay hoặc cách xa các răng còn lại
  • Sự thay đổi về sự khít sát nhau của các răng khi cắn
  • Trường hợp dùng hàm giả bán phần sẽ cảm thấy sự thay đổi về sự vừa khít của hàm giả so với hàm thật

Bệnh nha chu có thể tiến triển từ nhẹ sang nghiêm trọng. Giai đoạn khởi phát của bệnh nha chu là viêm nướu. Dấu hiệu chính của giai đoạn này là nướu tấy đỏ, sưng viêm và cảm giác khó chịu không rõ rệt. Trong suốt giai đoạn này, nướu có thể bị chảy máu khi đánh răng hoặc làm sạch kẽ răng.

Khi bệnh tiến triển nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến xương ổ răng, túi mủ hình thành và tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi mạnh mẽ hơn. Vôi răng hình thành trong các túi mủ này và không dễ dàng loại bỏ bằng các biện pháp vệ sinh răng miệng thông thường. Bệnh nha chu tiến triển cần được vệ sinh nha khoa vào sâu trong các đường nướu.

Viêm nha chu là gì?

Khi viêm nướu không được điều trị dứt điểm, vi khuẩn độc hại tiếp tục lây lan, ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc nha chu, bệnh sẽ tiến triển thành viêm nha chu. Lúc này, bệnh diễn biến phức tạp và rất khó điều trị.

Viêm nha chu

Dấu hiệu nhận biết viêm nha chu:

  • Xuất hiện túi nha chu chảy mủ
  • Chân răng suy yếu, răng lung lay
  • Tụt nướu làm chân răng lộ ra nhiều, miệng có mùi hôi nặng,
  • Tiêu xương ổ răng là dấu hiệu nghiêm trọng bậc nhất, báo hiệu nguy cơ mất răng rất cao.

Ảnh hưởng của bệnh viêm nha chu

Viêm nha chu là một trong những bệnh lý răng miệng có ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe răng miệng của bệnh nhân:

  • Hôi miệng, khiến người bệnh mất tự tin trong giao tiếp
  • Gây đau nhức, khó chịu, đặc biệt nhạy cảm với các thức ăn nóng/ lạnh
  • Gây mất khẩu vị, khó khăn trong ăn uống, ảnh hưởng đến dạ dày
  • Làm chân răng lung lay, trường hợp viêm nha chu tiến triển nặng, bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ mất răng.

Xem thêm: Cách làm răng chắc khỏe

Điều trị viêm nha chu như thế nào?

Có 4 loại điều trị căn bản thường dùng đối với tình trạng viêm nha chu:

  1. Điều trị khẩn cấp,
  2. Điều trị không phẫu thuật
  3. Điều trị phẫu thuật 
  4. Điều trị duy trì.

Điều trị không phẫu thuật là cách thức thường được áp dụng nhất với 2 bước:

Bước 1: Nha sĩ đánh giá các yếu tố thuận lợi cho việc lưu giữ mảng bám, cản trở vệ sinh răng miệng và kiểm soát mảng bám vi khuẩn.

Bước 2: Loại bỏ các khả năng thuận lợi cho việc lưu giữ mảng bám, ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn gây hại bằng nhiều phương pháp, phù hợp với tình trạng răng của bệnh nhân:

  • Cạo vôi răng (cao răng) là thủ thuật được chỉ định cho tất cả kế hoạch điều trị viêm nha chu
  • Chỉnh sửa hoặc thay thế những miếng trám lỗi, sai kỹ thuật
  • Chỉnh sửa hoặc thay thế những phục hình lỗi, sai kỹ thuật
  • Đánh giá và chỉ định răng buộc phải loại bỏ không giữ được
  • Cố định răng lung lay
  • Thực hiện phục hình tạm khi cần thiết

Phương pháp điều trị viêm nha chu phụ thuộc vào giai đoạn và mức độ nghiêm trọng của bệnh nha chu. Nếu viêm nha chu được phát hiện sớm khi còn ở giai đoạn viêm nướu, và chưa ảnh hưởng đến cấu trúc nâng đỡ dưới răng, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cải thiện cách vệ sinh răng miệng hằng ngày sau khi được vệ sinh chuyên sâu với phương pháp cạo vôi răng.

Mặc dù đã áp dụng những phương pháp đơn giản này, tình trạng viêm nha chu vẫn trở nên nghiêm trọng hơn, việc chữa trị là cần thiết. Bước đầu tiên là vệ sinh đặc biệt chuyên sâu, gọi chung là cạo vôi răng và cạo vôi răng dưới nướu. Ở bước này, mảng bám và vôi răng được cẩn thận loại bỏ từ sâu dưới đáy của túi nha chu.

Quá trình điều trị này có thể kéo dài trong vài lần hẹn, tùy thuộc vào tình trạng viêm nha chu của bệnh nhân. Bề mặt chân răng được làm sạch, trơn láng, tạo điều kiện cho tế bào nướu lành thương và kết nối lại vào chân răng. Quy trình này được gọi là “vệ sinh nha chu” hay “làm sạch sâu” và thường cần nhiều lần hẹn để hoàn thành

Bác sĩ nha khoa có thể kê toa thuốc giảm đau và giảm sưng viêm, hoặc thuốc giúp mau lành thương. Những chỉ định này có thể là thuốc viên uống, nước súc miệng hoặc thuốc được nha sĩ đặt trực tiếp sau khi vệ sinh sâu túi nha chu. Nếu bệnh nhân có thói quen hút hoặc nhai thuốc lá, cần nhanh chóng loại bỏ thói quen này. Nha sĩ có thể tư vấn cho bạn gặp chuyên gia về thể chất trong trường hợp viêm nha chu ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quan của toàn bộ cơ thể

Khi quá trình làm sạch sâu chân răng hoàn thành, bác sĩ sẽ hẹn bệnh nhân tái khám vài tuần sau đó. Trong lần tái khám này, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng nướu đã lành thương chưa và tiến hành đo độ sâu túi nha chu. Nếu viêm nha chu diễn biến thành viêm nha chu tiến triển, túi nha chu sẽ sâu hơn và tình trạng tiêu xương ổ răng bắt đầu diễn ra, lúc này điều trị cho bệnh nhân sẽ phức tạp hơn

Viêm nha chu không thể tự khỏi. Nếu không được phát hiện, quan tâm đúng mức và chữa trị kịp thời, bệnh nhân có thể cần phải thực hiện phẫu thuật đế cố gắng giữ lấy răng bị ảnh hưởng. Ngăn ngừa và điều trị viêm nha chu ở giai đoạn sớm là cách tốt nhất, hiệu quả nhất để giữ hàm răng chắc khỏe.

Chăm sóc sau điều trị viêm nha chu

Sau khi hoàn tất điều trị viêm nha chu, bệnh nhân sẽ được yêu cầu tái khám thường xuyên. Việc thăm khám nha sĩ thường xuyên và vệ sinh chuyên sâu rất quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng viêm nha chu. Tùy từng trường hợp mà cuộc hẹn của bệnh nhân sẽ thay đổi giữa nha sĩ tổng quát và nha sĩ chuyên về nha chu

Vệ sinh cá nhân kỹ lưỡng tại nhà đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc ngăn ngừa diễn biến xấu của viêm nha chu hay tình trạng viêm nha chu trở lại. Chỉ cần vài phút hai lần mỗi ngày để đánh răng và làm sạch kẽ răng và nướu. Vệ sinh răng miệng hằng ngày giúp kiểm soát mảng bám răng và giảm khả năng hình thành vôi răng

Nỗi lo sợ mất răng vì viêm nha chu sẽ không còn chỉ cần bạn duy trì thói quen đánh răng, làm sạch kẽ răng, chế độ ăn uống hợp lý và kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ, một hàm răng sạch khỏe hoàn toàn trong tầm tay!

Mối liên hệ mật thiết giữa bệnh nha chu và sức khỏe toàn thân

Miệng được xem là cửa sổ mở của sức khỏe toàn diện của cơ thể. Nó phản ánh dấu hiệu suy giảm dinh dưỡng hoặc nhiễm trùng chung. Ví dụ, các bệnh hệ thống – những bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể như tiểu đường, AIDS, hội chứng rối loạn tự miễn dịch – có thể mắc phải do tổn thương ở miệng hay các bệnh lý răng miệng khác.

Miệng là nơi ẩn náu của hàng tỉ vi khuẩn, nhiều trong số đó là nguyên nhân dẫn đến sâu răng và các bệnh về nướu. Những nhà nghiên cứu đã chỉ ra bệnh nha chu tiến triển (tình trạng bệnh nha chu nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến cấu trúc nha chu) có thể gây mất răng có liên quan mật thiết đến các vấn đề sức khỏe, như bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm phổi… Không chỉ vậy, phụ nữ mang thai mắc bệnh nha chu có thể đối mặt với nguy cơ sinh non và/ hoặc trẻ sơ sinh thiếu cân.

Nhiều nghiên cứu sâu sát hơn cần được tiến hành, nhưng nhiều nhà nghiên cứu đã nghi ngờ vi khuẩn và sự nhiễm trùng có liên quan đến bệnh nha chu là nguyên nhân gây ra các bệnh hệ thống. Tương tự như bệnh tiểu đường, rối loạn tế bào máu, nhiễm HIV và AIDS có thể làm suy giảm khả năng chống nhiễm trùng, khiến bệnh nha chu trở nên nghiêm trọng hơn. Vài nghiên cứu đã vạch ra mối liên kết không thể phủ nhận của tình trạng viêm mãn tính do bệnh nha chu và diễn biến của bệnh tim mạch.

Nhiều bằng chứng cho rằng vi khuẩn đường miệng có thể liên quan đến bệnh tim, tắt nghẽn động mạch và đột quỵ. Những người mắc bệnh tiểu đường cũng được ghi nhận thường mắc bệnh nha chu và có khả năng mắc bệnh nha chu nặng hơn nhiều so với những người bình thường. Bệnh nha chu cũng khiến cho người mắc bệnh tiểu đường khó có thể kiểm soát đường huyết.

Mặc dù bệnh nha chu có liên quan đến những tình trạng sức khỏe này, cần hiểu rõ rằng bởi vì hai tình trạng bệnh diễn ra đồng thời, không có nghĩa là tình trạng này gây ra tình trạng kia. Đó là lý do tại sao những nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm hiểu điều gì sẽ xảy ra khi bệnh nha chu được chữa khỏi ở những người gặp những vấn đề về sức khỏe.

Lời kết

Bệnh nha chu và viêm nha chu đều là những bệnh răng miệng phổ biến nhưng lại ít được quan tâm đúng mức. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn nhận thức rõ hơn vai trò chăm sóc răng miệng để phòng ngừa bệnh nha chu. Nếu bạn gặp vấn đề về nha chu hãy liên hệ ngay với Nha Khoa Minh Khai để được tư vấn chuyên sâu nhé.